Các khóa học đã đăng ký

[CASE STUDY] CHIẾN LƯỢC EMPLOYER BRANDING CỦA MICROSOFT

Được thành lập vào năm 1975, Microsoft được xem là một trong những công ty kỳ cựu trong thế giới công nghệ nhiều biến đổi như hiện nay. Không chỉ đối mặt với sự cạnh tranh nhân tài từ các “ông lớn” như Apple, Google hay Facebook, Microsoft còn nhìn thấy được sự trỗi dậy của các công ty khởi nghiệp có sự nhạy bén về công nghệ và ưa thách thức. Vì thế, cách Microsoft làm Employer Branding luôn đề cao sự đổi mới và linh hoạt. 

Microsoft là một doanh nghiệp luôn đổi mới liên tục để môi trường làm việc trở nên phù hợp hơn với đội ngũ nhân tài. Theo lời của CEO Satya Nadella: “Ngành của chúng tôi không coi trọng lối món truyền thống, mà là sự đột phá.”

Chuck Edward –  Phó Giám đốc Nhân sự của Microsoft, chia sẻ: “Sự hấp dẫn của Microsoft đối với những người muốn định hình tương lai bắt nguồn từ khả năng kết hợp tính bùng nổ của một công ty khởi nghiệp với cơ hội mang ý tưởng sáng tạo ra toàn cầu. Và đó chắc chắn là một công thức chiến thắng. Trong thị trường lao động cạnh tranh cao như công nghệ, sẽ không bao giờ có chỗ cho sự tạm nghỉ hay dừng lại. Chúng tôi luôn muốn giữ vị trí hạng A trong lòng ứng viên.” 

Vậy Microsoft đã thực hiện “công thức” đó như thế nào?

Microsoft đang thực hiện một bước nhảy vọt khác - tìm cách trao quyền cho mọi người để nhân viên có thể làm việc hiệu quả hơn trong một thế giới mà Satya Nadella ví von là “thế giới ưu tiên di động và điện toán đám mây”. 

Còn Chuck Edward cho rằng: “Trong một thị trường không bao giờ đứng yên, chúng tôi muốn những người nắm bắt được sự phát triển, những người ham học hỏi hơn là nghĩ rằng họ biết tất cả.” Ông tin rằng việc chuyển sự tập trung sang nền tảng đám mây đang thay đổi mối quan hệ với khách hàng và khiến nhu cầu về những người vừa tò mò vừa có khả năng tư duy độc lập càng trở nên bức thiết hơn. 

1. Thách thức những người ưa thử thách:

Năng lượng của nhân viên ưa thử thách là điều mà ông Edward cực kỳ yêu thích và mong muốn được phát huy. Ông muốn mọi người biết rằng nhân tài Microsoft là những người luôn thích thay đổi và tò mò với tất cả mọi thứ. Mặc dù nhận ra được sức hấp dẫn của các doanh nghiệp kỳ lân hay khởi nghiệp, cách Microsoft làm Employer Branding chính là tin rằng mình có nhiều thứ hơn thế để trao cho ứng viên. 

“Mọi người sẽ nghĩ rằng so với một công ty vừa thành lập, doanh nghiệp như Microsoft sẽ thường chậm chạp và quan liêu. Nhưng trên thực tế, chúng tôi đã và đang có thể tạo ra một môi trường đổi mới và phát triển nhanh chóng tương tự như các doanh nghiệp trẻ, với năng lượng tương tác thông qua các nhóm làm việc nhỏ.” – ông Edward chia sẻ. 

Microsoft hoạt động thành các đơn vị nhỏ như một công ty khởi nghiệp và khi bạn có những ý tưởng mới chưa thể thực hiện ở nhóm này, bạn có thể chuyển sang một nhóm khác. Microsoft tin rằng nhân sự của công ty là những người giàu có về kiến thức mà những người trẻ mới bước vào ngành có thể học hỏi, không chỉ từ góc độ kỹ thuật, mà còn cách thương mại hóa các ý tưởng và sáng tạo. 

Vậy làm thế nào để Microsoft biến mình trở thành một nhà tuyển dụng ưa thách thức mà không làm chậm quá trình đổi mới hay đưa ra quyết định trong tập đoàn? 

Một phần là ở cấu trúc doanh nghiệp. Ông cũng tin rằng chìa khóa cốt lõi nằm ở văn hóa doanh nghiệp. Microsoft quyết tâm tạo ra một môi trường khuyến khích mọi người tò mò, chấp nhận rủi ro, trò chuyện cởi mở với sai phạm có thể xảy ra vì đó là cách mà những ý tưởng đúng đắn sẽ bắt đầu hành trình của nó. 

2. Cuộc hội ngộ của những ý tưởng:

Với tham vọng mở rộng ranh giới về sáng tạo, cách Microsoft làm Employer Branding chính là tạo ra cơ hội để nhân viên được tham gia các đội nhóm và cho phép họ chạy những dự án thử nghiệm, chẳng hạn như sáng kiến về Microsoft Garage. Đây là 1 dự án mà Microsoft khuyến khích các lập trình viên của mình xây dựng ứng dụng cho bất kỳ nền tảng nào mà họ thích khi có thời gian rảnh rỗi, có thể là Windows Phone, Android hay thậm chí là iOS.

“Chúng tôi coi những sáng kiến này không chỉ là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, mà còn để giữ cho mọi người gắn kết và duy trì thói quen đổi mới. Đồng thời, khuyến khích sự hợp tác phát triển các mối quan hệ đối tác lâu dài trên toàn thế giới.” – ông Edward nói.

3. Sự kết hợp giữa địa phương và toàn cầu:

Vị trí và môi trường thực tế của trụ sở Microsoft tại Redmond, Washington đã đóng góp như thế nào vào thành công thương mại và thu hút nhân tài? 

Ông Edward cho rằng bản thân Microsoft đã tạo ra một hệ sinh thái công nghệ và đổi mới. Redmond đã trở thành một nam châm thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới và tạo ra nguồn cảm hứng cho nhiều doanh nghiệp công nghệ khác thành lập tại nơi đây. 

Trong một thị trường mà quan hệ đối tác trở thành một trong những kết nối quan trọng, nguồn nhân lực tập trung theo địa phương cho phép Microsoft được trao đổi và tìm hiểu về nhân tài đến từ nhiều doanh nghiệp khác. Đối với Microsoft, điều này là vô cùng có giá trị, nhưng cũng có nhược điểm chính là nhân tài sẽ di chuyển trong chính hệ sinh thái mà Microsoft đã tạo ra. 

May mắn thay, khuôn viên ở Redmond chỉ là một phần của doanh nghiệp toàn cầu & đa dạng như Microsoft. Ông Edward sẵn sàng dành thời gian để liên hệ với đồng nghiệp của mình ở châu Á, châu Phi, châu Âu và châu Úc tương tự như cách ông đang làm với các thành viên có mặt tại Redmond. Ông cho rằng: “Khả năng tiếp cận và trao đổi ý tưởng trên toàn cầu là điều mà bất cứ doanh nghiệp cũng nên tận dụng vì nó đem lại điều tốt nhất ở cả hai khía cạnh, địa phương và toàn cầu.”

Bài học gì từ chiến lược Employer Branding của Microsoft?

Microsoft nhận thấy rằng những người trẻ yêu thích sự đổi mới không muốn trở thành chiếc bánh xe khác bên trong một cỗ máy lớn. Vì vậy, bí quyết thành công của Microsoft là tạo ra một nền văn hóa xem chuyển đổi như cơ hội để mỗi thế hệ mới chứng tỏ mình ngang hàng với những người tiên phong đi trước.

Chìa khóa ở đây chính là tinh thần của một nhà khởi nghiệp. Doanh nghiệp cần phải chứng minh cho ứng viên thấy rằng họ sẽ có cơ hội làm việc trong nhiều dự án mới mẻ so với các công ty khác, bất kể lớn hay nhỏ. Khao khát được thay đổi thế giới chính là nhu cầu của người trẻ hiện nay và doanh nghiệp tìm thấy điểm chung giữa văn hóa nội bộ và nhu cầu này sẽ có thể tiếp cận tốt hơn với lực lượng lao động tương lai.

Thông qua cách triển khai Employer Branding của Microsoft, hi vọng rằng các bạn có thêm những thông tin thú vị và mới mẻ để tích lũy kiến thức của mình về Employer Branding cũng như áp dụng cho chính doanh nghiệp của mình.

 

Cre: Randstad.com 

Dịch: Trường Thanh  – Talent Brand Vietnam


Cũ hơn Mới hơn