Các khóa học đã đăng ký

Người phụ nữ quyền lực nhất Facebook nói gì về bình đẳng giới nơi công sở?

Sheryl Sandberg - Giám đốc điều hành của Facebook và cũng là Co-founder của LinkedIn, người phụ nữ quyền lực thứ 6 thế giới là một trong những người lên tiếng mạnh mẽ nhất cho bình đẳng giới ở nơi làm việc.

Sandberg đã chia sẻ 3 cách thức thực tế và hiệu quả mà đại đa số doanh nghiệp đều có thể áp dụng nhằm kêu gọi phụ nữ dấn thân vào công việc hơn.


Theo cô, phụ nữ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức tại nơi làm việc. Trong một cuộc phỏng vấn, Sandberg giải thích về lý do một số phụ nữ vẫn sợ hãi và không dám tham vọng trong công việc là vì: “Chúng ta không thực sự được đề cao dưới vai trò là những lãnh đạo nữ.” Quả vậy, đối với sếp nữ, người ta dễ gọi họ là "hách dịch", kiêu ngạo, nhưng lại hiếm khi dùng từ đó với sếp nam.


1. Nhiệt tình tán thành ý tưởng của các đồng nghiệp nữ!

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong các cuộc họp, phụ nữ thường bị các đồng nghiệp nam ngắt lời, cướp lời, hay thậm chí là bị ăn cắp ý tưởng. 

Trong trường hợp mà một nam và một nữ nhân viên đều đề xuất một ý tưởng mà chỉ có nam nhân viên được công nhận, thì Sandberg khuyến khích những người khác có thể lên tiếng với những câu nói đơn giản như: “Đó là một ý tưởng tuyệt vời. Bạn biết đấy, đó là ý tưởng của bạn. Hãy nói cho chúng tôi biết thêm về nó!”, cũng có thể giúp cải thiện sự tự tin của họ rất nhiều.


2. Trao cơ hội công việc cho các nhân viên nữ mang thai

Tại Mỹ, người sử dụng lao động phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai là bất hợp pháp. Tuy nhiên, có tới gần 31.000 cáo buộc đã được đệ trình trong vòng 5 năm.

Còn tại Việt Nam, tuy nạn phân biệt đối xử không tới mức đáng báo động như vậy, nhưng phụ nữ mang thai vẫn phải chịu những thiệt thòi. Hai suy nghĩ sai lầm phổ biến nhất thường là lo sợ hạn chế về sức khoẻ hoặc sự chậm chạp trong công việc sau thời gian nghỉ thai sản.

Sandberg đã đề xuất giải pháp cho tình huống này: "Hãy hỏi trực tiếp cô ấy. Có thể cô ấy muốn tham gia chuyến công tác này, có thể không. Nhưng thường cách chúng ta làm là tự quyết định thay cho cô ấy, tự giả định về cô ấy thay vì cho cô ấy quyền tự quyết định nhận những gì mình xứng đáng."

Điều các công ty cần làm là đặt niềm tin một cách công bằng giữa các nhân viên của mình bất kể giới tính của họ.


3. Khuyến khích phụ nữ tham gia các cuộc họp và giao lưu gặp gỡ

"Trên thực tế, phụ nữ thường xuyên bị hạn chế tham gia các cuộc họp một-một với các nhà lãnh đạo nam, bao gồm các nhà tài trợ tiềm năng, chuyên gia trong lĩnh vực; kéo theo đó cơ hội thăng tiến của họ cũng bị chặn lại”.

Đặc biệt, ở các nước phương Tây thời gian gần đây, phong trào #MeToo (phong trào lên tiếng tố cáo các hành vi lạm dục tình dục phụ nữ) phát triển, một mặt cổ vũ người phụ nữ lên tiếng cho quyền lợi của mình, nhưng mặt khác lại tạo ra rào cản khiến cho những nhân viên nam nói chung có một sự dè dặt nhất định khi tiếp xúc với đồng nghiệp nữ vì sợ bị quy kết là có hành động quấy rối.

Cả 2 giới nên xây dựng các mối giao tiếp và quan hệ trong công việc một cách thẳng thắn và bình đẳng dựa trên chuẩn mực giữa người-người chứ ko phải theo các tiêu chí cá nhân.
Bởi lẽ giao tiếp, trao đổi nơi công sở là 1 trong những điều quan trọng nhất trong công việc, đồng thời có ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa và môi trường công ty. Không nên để sự e dè và sợ hãi khoét sâu sự bất bình đẳng. 

"Bạn muốn làm thế nào cũng được: đi công tác hay không đi công tác, tổ chức tiệc hay không tổ chức tiệc. Nhưng dù lựa chọn của bạn là gì, thì đừng để vấn đề giới tính quyết định nó. Hãy hành xử công bằng", Sandberg nhấn mạnh.

Nguồn: Base Resources


Xem thêm các thông tin về lĩnh vực Human Resource tại: www.facebook.com/mamahr.soc/


Cũ hơn Mới hơn