Các khóa học đã đăng ký

E-LOGISTICS – Dịch Vụ Hậu Cần Điện Tử

Thanh Toán Online Và Thanh Toán Khi Giao Hàng (COD)

Thanh toán online đã có một bước tiến dài trong giai đoạn 2012 – 2014, tuy nhiên sự phổ cập của thanh toán trực tuyến vẫn còn là một vấn đề đau đầu của Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam. Ở một thị trường mà vấn đề niềm tin là một nhức nhối lớn thì người dùng chọn để bỏ qua hình thức thanh toán trước (online), họ thoải mái hơn với việc được kiểm tra chất lượng hàng hóa trước khi thanh toán. Nếu món hàng không hài lòng, họ có quyền trả lại hàng và từ chối thanh toán mà không phải trả bất kỳ khoản phí nào. Khi quá tự do trong việc đổi trả hàng, khách hàng đôi khi quá “tận dụng” khả năng này. Dẫn đến tỉ lệ đổi trả hàng ở các site TMĐT Việt Nam luôn cao, trung bình của sàn TMĐT khoảng 15-20% và các website bán hàng B2C trong khoảng 10-15%. Tỉ lệ này cao dẫn đến tác hại tăng chi phí vận chuyển, vận hành và dĩ nhiên, giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Thị trường Việt Nam hiện tại chứng kiến tỉ lệ thanh toán online chỉ vào khoảng 5-10% trong khi COD đè bẹp “người bạn đồng hành” của mình với tỉ lệ 90-95%.

Xu Hướng Realtime Trong E-Logistics

Tại thời điểm 2011-2012, việc có kết nối API qua lại giữa bên cung cấp dịch vụ Logistics và bên kinh doanh TMĐT đã là tiến bộ lớn rồi. Một số nơi thậm chí còn không thể thực hiện tác vụ đơn giản nhất này. Chưa cần kể đến các tác vụ khác đòi hỏi công nghệ cao như GPS, tracking thời gian thực…

Hiện tại hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ Logistics cho TMĐT đều có khả năng kết nối trực tuyến qua hệ thống. Các tác vụ có thể làm được qua API bao gồm:

  • Tạo đơn hàng/ vận đơn trực tuyến;
  • Cập nhật trạng thái trực tuyến;
  • Báo phát;
  • Cập nhật tình trạng lưu kho;
  • Xem báo cáo phát hàng và tiền nợ thu hộ.

Xu hướng kể từ 2015 là công nghệ cập nhật trạng thái phát tức thì qua SMARTPHONE. Khi nhân viên giao nhận giao hàng cho bạn, thay vì kí nhận lên vận đơn bằng giấy, bạn có thể ký trực tiếp lên điện thoại thông minh của nhân viên. Trạng thái đơn hàng lập tức được truyền về hệ thống qua sóng 3G. Và ngay lập tức, trong vòng vài giây, người gửi đã có thể nhận tín hiệu POD (Proof of Delivery) qua kết nối API.

Tuy nhiên, không phải dịch vụ Logistics nào cũng có khả năng trang bị điện thoại thông minh cho toàn bộ nhân viên của mình. Đây là một món đầu tư không nhỏ. Với xu thế ngày càng rẻ đi của smartphone và cước 3G, chúng ta hoàn toàn có khả năng tin vào một cuộc “cách mạng số” của ngành giao nhận trong thời gian sắp tới.


Cũ hơn Mới hơn