Các khóa học đã đăng ký

Viettel Post ra mắt MyGo. Gã khổng lồ Việt Nam lăm le chiếc bánh thị phần.

Ngày 12/06/2019, Tổng Công ty cổ phần bưu chính Viettel (gọi tắt là: Viettel Post), là đơn vị thành viên của tập đoàn Viễn Thông Quân Đội (Viettel), đã chính thức ra mắt ứng dụng gọi xe công nghệ MyGo trên cả hai nền tảng Android và iOS để khai thác một cách triệt để những mẻ bánh còn sót lại trong thị trường gọi xe công nghệ.

MỞ RỘNG HỆ SINH THÁI

Những ngày qua, nếu bạn thử tìm kiếm từ khóa "MyGo" trên Facebook, bạn sẽ tìm được rất nhiều bài đăng về ứng dụng MyGo của Viettel vừa ra mắt cách đây không lâu. Từ bài đăng tuyển tài xế cho đến giới thiệu ứng dụng và kêu gọi người dùng tải về điện thoại của mình để tận dụng những ưu đãi hấp dẫn.

Viettel vốn đã có tiềm lực lớn với hệ sinh thái bao gồm: ViettelPay, Viettel Store, Viettel Post và gần đây nhất là tham gia thị trường thương mại điện tử với VoSo.vn. Vì vậy, MyGo như một mảnh ghép nhằm hoàn thiện tham vọng bao phủ thị trường của gã khổng lồ này.


THẾ MẠNH

Độ phủ cực lớn: Với hơn 1.300 bưu cục khắp 63 tỉnh thành và chính những bưu cục này cũng chính là điểm hỗ trợ tài xế MyGo sắp tới đây, độ phủ của ứng dụng này không thể bàn cãi nếu so với Grab (có mặt ở hơn 28 tỉnh thành).

Tốc độ phản hồi: Song song với đó là đội ngũ nhân viên hùng hậu sẵn sàng chăm sóc khách hàng và những khuyến mãi hấp dẫn ban đầu như cam kết không tăng giá vào giờ cao điểm và chính sách hấp dẫn cho tài xế mới như tặng 1.000.000đ vào ví tài xế mới với chiếu khấu chỉ 5% trong 3 tháng đầu tiên, sau đó sẽ là 20% chiết khấu trong những tháng tiếp theo và miễn phí hoàn toàn dung lượng 3G/4G trong quá trình sử dụng ứng dụng trên điện thoại.

Thương hiệu nội địa: Đặc biệt, MyGo là thương hiệu của Việt Nam và có tiềm lực cạnh tranh trực tiếp với đối thủ tầm vóc quốc tế là Grab hay GoViet ngay trên sân nhà, dễ dàng tận dụng làn sóng "Người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam" ngày càng lớn mạnh hiện nay.

Hệ sinh thái có sẵn: Tài xế đăng ký làm đối tác với MyGo tại các bưu cục Viettel Post và ViettelPay sẽ được tích hợp để trở thành ví điện tử cho ứng dụng gọi xe này. Viettel đã có sẵn hệ thống vận tải giao hàng nội thành, ngoại thành với lượng khách hàng lớn là các doanh nghiệp, tổ chức, chủ shop... trong hệ thống Viettel Post; ví điện tử ViettelPay với hơn 2,5 triệu người dùng và 200.000 điểm giao dịch để khách hàng gửi hoặc rút tiền mặt; ngân hàng MBBank; hệ thống cửa hàng điện thoại Viettel Store và theo báo cáo của Bộ TT&TT, tổng số thuê bao điện thoại di động của Viettel đến cuối năm 2018 đạt 63,9 triệu thuê bao di động, trong đó thuê bao băng rộng di động đạt 29,2 triệu thuê bao...


BẤT LỢI VÀ THÁCH THỨC

Đối thủ không hề ít: Hiện nay, Việt Nam đã có rất nhiều ứng dụng gọi xe công nghệ như Grab, GoViet, Be, FastGo, Mai Linh Bike, Vato, MVL, Go-ixe, Xelo, 123Xe, T.Net... Đã có không ít công ty phải chấp nhận thất bại trong công cuộc tranh giành miếng bánh thị phần tại Việt Nam như Uber, Lala, Aber... Đặc biệt, Grab, là một công ty đa quốc gia, có tiềm lực khủng khiếp về nguồn vốn (Đại diện Grab cho biết đơn vị này vừa nhận thêm 1,46 tỷ USD từ quỹ Vision của SoftBank), quy mô và số lượng tài xế hiện nay khiến cho cuộc chiến hấp dẫn hơn bao giờ hết. Do đó, không ít người đang chờ đợi sự trỗi dậy của một thương hiệu Việt Nam.

Đối thủ lớn mạnh: Tốc độ phát triển của đối thủ lớn như Grab rất nhanh, đồng thời đã khắc sâu vào tâm trí khách hàng bởi sự tiện lợi, nhanh gọn và đa dạng tính năng của mình. Hiện nay, Grab không chỉ cung cấp mỗi dịch vụ gọi xe công nghệ, giao đồ ăn thức uống hay giao hàng, mà còn có thanh toán tiền điện - nước, nạp thuê bao điện thoại, đặt phòng khách sạn và chương trình khách hàng thân thiết với nhiều ưu đãi.

Non trẻ: Là một ứng dụng mới, MyGo chưa có chương trình khách hàng thân thiết, dịch vụ chưa đa dạng và có một số lỗi hệ thống khi đăng ký dịch vụ này. Bên cạnh đó, bản đồ của MyGo rất nhỏ, khiến việc tìm kiếm điểm đến chính xác hoặc theo dõi đường đi khá khó khăn và bất cập.

Một cam kết mang tính tạm thời: Theo một số dân chuyên trong ngành này, nếu MyGo cam kết không tăng giá vào giờ cao điểm nhưng lại không có ưu đãi hoặc hỗ trợ cho tài xế hoạt động vào giờ cao điểm như các đối thủ khác thì các tài xế sẽ cài cùng lúc nhiều ứng dụng để hành nghề, vào giờ cao điểm sẽ chạy ứng dụng khác có ưu đãi thay vì MyGo. Điều này sẽ dẫn tới việc khách hàng không thể gọi tài xế MyGo và sẽ chuyển sang các ứng dụng khác. Vì vậy, có thể kết luận rằng việc không tăng giá vào giờ cao điểm chỉ mang tính tạm thời mà thôi.

Mô hình không mới mẻ: Gọi xe công nghệ, giao hàng nội địa và xuyên tỉnh đã có VATO (ứng dụng của Công ty CP Thương mại điện tử Vận Thông, công ty con của Công ty CP xe khách Phương Trang, thương hiệu nổi tiếng không kém cạnh Viettel Post trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa) là người đi trước, được đầu tư mạnh mẽ bởi Phương Trang sau khi công ty này tuyên bố rót vốn 100 triệu USD (khoảng 2.200 tỷ đồng) vào tháng 05/2018.

Nghi vấn đạo nhái thương hiệu: Một sự thật rất ít người biết rằng, ứng dụng MyGo của Viettel Post trùng tên với ứng dụng MYGO của Malaysia ra mắt gần 6 tháng trước (chính thức vào 08/01/2019) với các dịch vụ: Car (Gọi ô tô), Shop (Mua hàng trực tuyến), Send (Giao hàng hóa, giấy tờ bằng mô tô), Food (Mua đồ ăn) và Freight (dịch vụ vận chuyển hàng hóa đường dài bằng xe tải).


CHIẾC BÁNH THỊ TRƯỜNG VẪN CÒN VÀ ĐA DẠNG

Một chuyên gia kinh tế nhìn nhận cuộc đua giành thị phần của các đơn vị được dự đoán sẽ khốc liệt hơn ở mảng vận tải và giao nhận thức ăn. Cuộc đổ vốn, "đốt tiền" khuyến mãi để chiếm thị phần, tài xế và khách hàng sẽ có lợi. Đồng thời, sẽ đào thải được những đơn vị không đủ năng lực, thị trường sẽ bớt rối loạn. Trong bối cảnh cạnh tranh mạnh, vị này cho rằng điều cốt yếu giữ chân khách hàng phải là chất lượng dịch vụ.

Gọi xe công nghệ trong nền kinh tế chia sẻ hiện nay không chỉ dừng lại ở các mô hình thông thường như kết nối hành khách với tài xế xe máy hoặc ô tô, mà còn phát triển ở các "miếng bánh" khác như kết nối tài xe xe tải với chủ hàng. Một điểm sáng của thương hiệu Việt Nam trong ví dụ này đó là Logivan. 

Bà Phạm Thị Khánh Linh - người sáng lập Logivan - cho biết vừa gọi vốn thành công 1,75 triệu USD (khoảng 40 tỷ đồng) từ một quỹ đầu tư lớn, với mục đích biến ứng dụng này thành "Uber vận tải". Logivan phát triển giải pháp công nghệ giúp doanh nghiệp tìm kiếm và quản lý xe tải trực tuyến, là cầu nối giữa hàng nghìn xe tải với chủ hàng. Với số vốn được cấp mới, Logivan cho biết sẽ dùng để xóa sạch xe rỗng chiều về của vận tải đường bộ Việt Nam.

Từ đây có thể kết luận, không quan trọng rằng Viettel Post có chậm chân hay không, mà là họ đã nhìn ra được vẫn còn tiềm năng phát triển ở thị trường vốn đã đông đối thủ. Với tiềm lực mạnh mẽ để tham gia cuộc đua "đốt tiền" này, Viettel Post được kỳ vọng sẽ khiến thị trường gọi xe công nghệ sôi động thêm gấp nhiều lần với MyGo.

*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.


Xem thêm các thông tin về SOC Institute tại: www.facebook.com/soc.edu.vn/


Cũ hơn Mới hơn